02/01/2023
Biến chứng tiểu đường ở da rất dễ xảy ra ở những bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết. Ước tính cứ 3 người mắc tiểu đường thì sẽ có 1 người gặp các bệnh về da. Sau đây, Dược Kiên Minh sẽ liệt kê những bệnh về da do đái tháo đường thường gặp nhất, nguyên nhân, cách phòng tránh cũng như biện pháp để xử trí khi gặp phải.
1. Khái niệm về biến chứng tiểu đường ở da

Tiểu đường hay đái tháo đường là một loại bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi sự gia tăng lượng đường trong máu gây ra bởi những rối loạn về hormon Insulin như thiếu hụt Insulin hay giảm độ nhạy với hormon này ở các mô ngoại biên. Bệnh tiểu đường gây ra những rối loạn chuyển hóa và làm tổn thương nhiều cơ quan, trong đó có da.
Bệnh về da do đái tháo đường được đánh giá là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh lý này. Nó đặc trưng bởi những sang thương da hình tròn hoặc hình bầu dục, tróc vảy hoặc lõm nhẹ và thường có màu nâu nhạt hoặc hơi đỏ. Những tổn thương này thường xuất hiện phía mặt trước cẳng chân (gặp trong 30% trường hợp tiểu đường).
2. Biểu hiện khi gặp biến chứng tiểu đường ở da

Triệu chứng của bệnh về da do đái tháo đường rất đa dạng, thường gặp nhất là những đốm hay mảng tăng sắc tố da trên vùng cẳng chân trước. Cụ thể, các biểu hiện của bệnh lý này bao gồm:
Các mảng da giai đoạn đầu thường có tình trạng bong, tróc vảy nhưng sau đó trở nên phẳng rồi dần lõm nhẹ vào hay còn được gọi là teo.
Tổn thương có hình bầu dục hoặc hình tròn.
Các mảng da có màu sắc thay đổi, có thể màu hồng, đỏ, nâu sẫm hoặc nâu nhạt.
Tổn thương có nhiều nốt, có thể tập trung bao phủ thành một mảng lớn.
Các mảng sang thương da này ít khi gây châm chích, loét, ngứa rát hay đau nên khiến người bệnh chủ quan. Ở một số trường hợp, những mảng da này trông tương tự như đốm đồi mồi nên càng khiến người bệnh dễ nhầm lẫn.
Vị trí xuất hiện của bệnh về da do đái tháo đường thường gặp nhất ở vùng trên - trước cẳng chân. Những vị trí khác ít gặp tình trạng này hơn, bao gồm da đầu, vùng da ở cẳng tay, mặt trước đùi, mặt bên của bàn chân và vùng thân mình.
3. Nguyên nhân gây biến chứng tiểu đường ở da

Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến các bệnh về da do đái tháo đường vẫn chưa thể xác định nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa biến chứng trên da với các biến chứng về mạch máu, thần kinh. Theo đó, một trong những nguyên nhân có thể do sự thay đổi của các mạch nhỏ gây ra tình trạng rò rỉ tế bào từ trong các mạch máu vào da.
4. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc biến chứng tiểu đường ở da?
Có tới trên 50% người bệnh tiểu đường gặp các vấn đề ở da. Thực tế cho thấy tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và không phân biệt giới tính hay chủng tộc. Tuy nhiên, biến chứng tiểu đường ở da xảy ra phổ biến hơn ở những đối tượng sau:
Người mắc bệnh đã lâu, từ khoảng 10 - 20 năm
Người không kiểm soát tốt đường huyết
Chấn thương cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh về da trên bệnh nhân tiểu đường. Tổn thương da do bệnh đái tháo đường dễ xuất hiện sau một chấn thương tại vùng da đó. Đây được xem là một phản ứng khuếch đại của các tế bào mô với chấn thương.
Người già, đặc biệt là những bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên

Ngoài ra, bệnh về da do đái tháo đường liên quan đáng kể với tình trạng tăng hemoglobin glycosyl hóa - hậu quả của việc kiểm soát đường huyết không tốt.
5. Các dạng biến chứng tiểu đường ở da thường gặp
5.1. Bàn chân đái tháo đường
Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát chặt chẽ lâu ngày sẽ dẫn tới tổn thương các mạch máu và thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại biên chi phối vùng bàn chân. Bàn chân đái tháo đường chính là hậu quả của biến chứng thần kinh ngoại biên là chủ yếu (chiếm 60 - 70% các trường hợp) hoặc biến chứng mạch máu nhỏ ở ngoại vi (chiếm 15 - 20%), nhiều trường hợp còn kết hợp cả 2 nguyên nhân trên gây suy tuần hoàn kèm theo thiểu dưỡng.
Biến chứng này dễ xảy ra tại những vị trí bị đè ép nhiều như vùng bàn chân. Đây cũng chính là nơi xuất hiện tình trạng viêm loét đầu tiên ở đa số các trường hợp. Nếu người bệnh chủ quan và không chăm sóc kỹ, tổn thương này sẽ nhanh chóng bị nhiễm trùng và hoại tử. Nghiên cứu cho thấy, biến chứng bàn chân đái tháo đường này xảy ra ở 15 - 25% bệnh nhân, trong đó có tới 70% trường hợp phải cắt đoạn chi.

5.2. Nhiễm trùng da
Có từ 20 - 50% người bệnh tiểu đường gặp biến chứng nhiễm trùng này. Biến chứng này có xu hướng xuất hiện ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2 mà không kiểm soát tốt đường máu, khiến tuần hoàn máu giảm, khả năng thực bào giảm kèm theo tình trạng hóa ứng động chậm và sự giảm kết dính của bạch cầu.
Tác nhân gây nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường có thể là do nhiễm các loại vi khuẩn hoặc nhiễm nấm. Cụ thể như sau:
Nhiễm trùng da do vi nấm chiếm tỉ lệ cao nhất ở bệnh nhân đái tháo đường, trong đó thường gặp nhất là nhiễm nấm Candida. Nhiễm vi nấm ngoài da trên bệnh nhân tiểu đường bao gồm: viêm mô tế bào, viêm móng, viêm quầng, viêm miệng, nấm kẽ ngón chân, nấm âm hộ, âm đạo, da quy đầu,... và nghiêm trọng nhất là tình trạng nhiễm trùng huyết do nấm. Trên người bệnh tiểu đường bị nhiễm toan ceton rất dễ bị nhiễm vi nấm nhóm Phycomycetes, ban đầu ở vùng hầu họng sau đó dễ gây hoại tử trung tâm và có thể lan lên não gây viêm não. Đa số các trường hợp này đều tử vong.
Nhiễm trùng da do vi khuẩn cũng là biến chứng rất thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường. Ban đầu, biến chứng này biểu hiện bằng những vết loét nông tưởng như đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến tình trạng hoại tử vết thương, thậm chí phải cắt đoạn chi hoặc gây nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng người bệnh.

5.3. Bọng nước do tiểu đường
Bọng nước do bệnh tiểu đường xảy ra phổ biến trên những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường lâu năm, bệnh tiến triển nặng và đặc biệt là những người đã xuất hiện biến chứng thần kinh và biến chứng võng mạc do đái tháo đường.
Biến chứng này xảy ra ở nam nhiều hơn ở nữ và biểu hiện cấp tính với những đặc điểm sau đây:
Bọng nước căng và không kèm quầng viêm xung quanh
Thường xuất hiện ở cùng ngón chân, bàn chân, cẳng chân, ngón tay, bàn tay, cẳng tay nhưng rất hiếm khi có ở phần thân mình. Những bọng nước xuất hiện một cách tự nhiên, không rõ nguyên nhân ở phần đầu chi dưới có thể là một biểu hiện đầu tiên của bệnh lý tiểu đường.
Các bọng nước này không gây đau, không ngứa, đường kính từ 0,5 - 17cm.
Bọng nước ở trong thượng bì là các bọng nước vô khuẩn, trong lòng chứa dịch trong và có thể tự lành mà không để lại sẹo sau 2 - 5 tuần.
Bọng nước ở lớp dưới thượng bì ít gặp hơn, có thể gây xuất huyết và khi lành thường để lại sẹo và có thể gây teo da.
Lưu ý quan trọng cho người bệnh khi gặp biến chứng bọng nước do tiểu đường là cần hạn chế tối đa việc cọ sát, tuyệt đối không tự ý làm vỡ bọng nước hay cào gãi và phải chăm sóc kỹ vết trợt da (nếu có) để không xảy ra tình trạng bội nhiễm.

5.4. Chứng gai đen
Chứng gai đen là một bệnh về da do đái tháo đường rất dễ gặp, nhất là ở những người có tình trạng đề kháng Insulin. Theo thống kê, biến chứng này thường gặp ở người dân vùng Đông Nam Á, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và những người Mỹ gốc Phi mắc hội chứng chuyển hóa.
Cơ chế gây bệnh được chứng minh là do các thụ thể Insulin Growth Factor (IGF-1) ở các tế bào sừng được kích hoạt dẫn đến sự phát triển quá mức của lớp thượng bì. Biểu hiện của chứng da đen là tình trạng da dày lên, mịn như nhung, tăng sắc tố da, da trở nên sậm màu. Biến chứng này thường xuất hiện ở các vị trí có nếp gấp như cùi chỏ, nách, cổ, rốn, bẹn, dưới vú hoặc quầng núm vú.

5.5. Các dạng biến chứng tiểu đường ở da khác
Ban vàng, u vàng (Eruptive Xanthomas)
Dày sừng nang lông
Da vàng cam
Bệnh đỏ da
Phù cứng bì
U hạt vàng
U lồi có cuống
Ngứa da vùng cẳng chân mắc phải
Xơ cứng da
Hoại tử mỡ do bệnh đái tháo đường
6. Cách phòng và điều trị biến chứng tiểu đường ở da
Các tổn thương da do bệnh tiểu đường gây ra chủ yếu là những tổn thương lành tình nên thường không cần phải điều trị đặc hiệu. Ngoại trừ trường hợp nhiễm trùng da do nấm hay các loại vi khuẩn là cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị nấm, kết hợp với việc chăm sóc, làm sạch vết thương hàng ngày. Các trường hợp còn lại có xu hướng tự khỏi sau một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm, tùy thuộc vào việc kiểm soát đường huyết của người bệnh có tốt hay không.
Như vậy, có thể thấy biện pháp hiệu quả nhất để phòng cũng như điều trị các bệnh về da do đái tháo đường chính là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết. Để làm được điều này, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây,... đồng thời hạn chế ăn tinh bột, mỡ động vật và thay bằng chất đạm, dầu thực vật.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì và giúp cải thiện độ nhạy cảm của các tế bào trong cơ thể với hormon Insulin. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý giữ ấm các vùng da bị tổn thương, tránh tình trạng chấn thương hay cọ xát khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn đã hiểu hơn về biểu hiện, cách phòng tránh và điều trị các biến chứng tiểu đường ở da rồi đúng không? Hãy duy trì đường máu ổn định và có lối sống lành mạnh hơn để kiểm soát các bệnh về da do đái tháo đường một cách tốt nhất.