20/05/2021
Hiện nay, số người mắc bệnh tiểu đường đang tăng lên với tốc độ đáng kể. Đi cùng với đó là những thắc mắc về căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho bạn các giai đoạn của bệnh tiểu đường cũng như cách điều trị cho từng giai đoạn.
1. Bệnh tiểu đường là gì?

1.1. Khái niệm
Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn mức giới hạn cho phép. Nguyên nhân là do lượng Insulin cơ thể sản xuất không đủ hay do tình trạng kháng Insulin.
1.2. Phân loại
Hiện nay, các loại đái tháo đường thường gặp bao gồm:
Đái tháo đường typ 1: còn được gọi với cái tên đái tháo đường phụ thuộc insulin, nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường typ 1 là do lượng insulin do các tế bào Beta của tuyến tụy tổng hợp không đủ. Bởi vậy, phương pháp điều trị chủ yếu của bệnh tiểu đường loại này là bổ sung hormon thay thế.
Đái tháo đường typ 2: Ngược lại với đái tháo đường typ 1, đái tháo đường typ 2 không phụ thuộc insulin. Lượng insulin sản xuất ra vẫn đủ nhưng các tế bào trong cơ thể lại không sử dụng được insulin do tình trạng kháng insulin hay sự bất hoạt của các receptor vốn đảm nhận chức năng tiếp nhận insulin trên màng tế bào.
Đái tháo đường thai kỳ: xảy ra ở một số phụ nữ thời kỳ mang thai, nguyên nhân là do cơ thể người phụ nữ giai đoạn này ít nhạy cảm với Insulin. Bệnh có thể khỏi sau khi sinh.
Tin liên quan
2. Các giai đoạn của bệnh tiểu đường
Sau khi đã tìm hiểu qua, chắc hẳn câu hỏi tiếp theo của các bạn là “bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn?”, “mỗi giai đoạn này có đặc điểm như thế nào?”. Vậy nên hãy cùng chúng tôi đọc tiếp để giải đáp những thắc mắc này nhé.

2.1. Giai đoạn 1: Tiểu đường giai đoạn đầu
Tiểu đường giai đoạn đầu còn được biết đến với tên gọi giai đoạn tiền đái tháo đường. Ở giai đoạn này, lượng đường trong máu đã cao hơn mức bình thường (chỉ số đường máu thông thường lúc đói là dưới 5,6mmol/L, sau ăn là dưới 7,8mmol/L) nhưng vẫn chưa đạt đến giới hạn chẩn đoán bệnh tiểu đường. Thời gian trung bình của giai đoạn này là từ 3-5 năm.
Xem thêm: Các giai đoạn bệnh tiểu đường
- Tiền tiểu đường là gì?
- Tiểu đường Type 1 có chữa được không?
- Tiểu đường Type 2
- Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Các biểu hiện của tiểu đường giai đoạn đầu thường mơ hồ, rất khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu các vị trí nếp gấp như cổ tay, cổ chân, gáy, nách xuất hiện những mảng da tối màu hay thấy đột nhiên đi tiểu nhiều hơn kèm theo mệt mỏi không rõ lý do, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sỹ để được thăm khám, tư vấn và làm các xét nghiệm.
Cách duy nhất để chẩn đoán tiểu đường giai đoạn đầu là dựa vào chỉ số đường máu. Chính vì vậy, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
2.2. Giai đoạn 2: Tiểu đường tiến triển
Nếu thời kỳ tiền đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ chuyển sang bệnh tiểu đường giai đoạn 2. Thời kỳ này đánh dấu bệnh đã chuyển thành mạn tính với các biểu hiện rõ rệt:
Ăn nhiều nhưng nhanh đói
Lúc nào cũng có cảm giác khát nước
Đi tiểu nhiều, cả về số lần và số lượng mỗi lần đi, đặc biệt là về đêm
Gầy sút cân nhanh mà không rõ nguyên nhân
Da khô kèm ngứa ngáy
Chân tay tê bì, có thể thấy nóng rát chân tay
Mờ mắt, hốc mắt đau căng tức
Vết thương lâu lành, dễ nhiễm trùng
Trên xét nghiệm, bệnh tiểu đường giai đoạn 2 có chỉ số đường huyết lúc đói trên 7mmol/L và hoặc chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ trên 11,1mmol/L

2.3. Giai đoạn 3: Tiểu đường xuất hiện biến chứng
Ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn 3, tuyến tụy ngày càng suy kiệt, lượng insulin sản xuất ra ngày càng ít. Đi cùng với đó là tình trạng kháng insulin của cơ thể ngày càng trầm trọng. Hậu quả là lượng đường trong máu tăng rất cao và khó kiểm soát, kéo theo một loạt các biến chứng tiểu đường, bao gồm:
Biến chứng thần kinh: đây là triệu chứng hay gặp trên bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh thường xuyên cảm thấy tê bì, giảm cảm giác ở tay chân, chuột rút về đêm, nhịp tim tăng nhanh bất thường ngay cả khi nghỉ ngơi, phân táo lỏng thất thường,...
Xem thêm:
- Nguyên nhân bệnh tiểu đường là gì?
- Bệnh tiểu đường là gì?
Biến chứng mạch máu nhỏ
+ Tại mắt: Các mạch máu võng mạc mắt bị tổn thương xuất tiết, xuất huyết,...với các biểu hiện đau nhức hốc mắt, xuất hiện đốm đen như ruồi bay trước mắt; có thể dẫn đến giảm thị lực thậm chí mù lòa. Nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường cũng cao hơn người bình thường.
+ Tại thận: Các mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương gây đái protein vi thể, tăng huyết áp, viêm đài bể thận, suy thận. Người bệnh có các biểu hiện đi tiểu nhiều, nước tiểu sủi bọt, phù hai chân,..
Biến chứng mạch máu lớn: có đến 75% người bị tiểu đường có biến chứng mạch vành. Biểu hiện bệnh lý mạch vành ở người tiểu đường không điển hình nhưng lại nguy hiểm, dễ dẫn đến suy tim hay tai biến mạch máu não.
+ Bàn chân đái tháo đường: biến chứng này rất điển hình ở bệnh nhân đái tháo đường do tổn thương thần kinh, giảm cảm giác kèm theo rối loạn vi mạch. Chỉ một vết thương nhỏ ở bàn chân nhưng ở bệnh nhân đái tháo đường lại rất lâu lành, dễ loét và hoại tử.
+ Các biến chứng khác: viêm da, nấm da, rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản, viêm phổi do bội nhiễm

2.4. Giai đoạn 4: Tiểu đường giai đoạn cuối
Đây là giai đoạn nhiều biến chứng tiểu đường xuất hiện cùng lúc và trở nặng. Người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, gồm có:
Suy tim: Biến chứng mạch máu lớn dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch. Tim phải tăng co bóp, lâu dần gây suy tim với các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, ho, đau tức ngực, phù tay chân,... Người bệnh có thể tử vong do nhồi máu cơ tim hay cơn rung nhĩ đột ngột.
Suy thận: Lượng đường trong máu cao gây tổn thương nghiêm trọng các mạch máu nhỏ ở thận, làm suy giảm chức năng lọc và đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể của thận. Do đó mà các chất độc hại tích tụ trong cơ thể, gây chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn.Trường hợp nặng, người bệnh phải có sự can thiệp của chạy thận nhân tạo thì sức khỏe mới được duy trì.
Liệt dạ dày: Ở các giai đoạn trước, các biến chứng trên hệ tiêu hóa chỉ dừng lại ở mức độ vừa và nhẹ như đại tiện phân táo, lỏng thất thường thì ở giai đoạn cuối này, nhiều người bệnh tiểu đường có thể gặp phải tình trạng liệt dạ dày. Liệt dạ dày kiến người bệnh ăn uống khó khăn, có khi cần đặt sonde để dẫn thức ăn vào.
Bội nhiễm: lượng đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Cùng với đó là sự suy giảm của hệ thống miễn dịch khiến các bệnh nhiễm khuẩn mắc phải trên bệnh nhân tiểu đường rất nặng nề và kéo dài khiến cơ thể suy kiệt.
Loét bàn chân: rất nhiều bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chân do loét và hoại tử nghiêm trọng.

3. Điều trị các giai đoạn của bệnh tiểu đường như thế nào?
3.1. Điều trị tiểu đường giai đoạn đầu
Hiểu biết về cách trị bệnh tiểu đường giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng, bởi đây là thời kỳ quyết định bệnh khỏi hẳn hay sẽ tiến triển mạn tính.
Như đã phân tích ở trên, cách sớm nhất để phát hiện bệnh ngay từ thời kỳ tiền đái tháo đường là thông qua xét nghiệm chỉ số đường máu. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng.
Cách trị bệnh tiểu đường giai đoạn đầu quan trọng nhất là ở việc thay đổi lối sống và chế độ ăn sao cho khoa học, hợp lý:
Chế độ ăn:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, bao gồm 3 bữa chính và từ 1-3 bữa phụ
- Ăn đúng giờ, tuyệt đối không bỏ bữa vì dễ dẫn đến hạ đường huyết cấp tính
- Nên lựa chọn những thực phẩm ít tinh bột, nhiều xơ, ít chất béo xấu như các loại ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt), táo, các loại rau xanh, thịt, cá (bỏ da),...
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột như: bánh mì trắng, khoai tây, bánh ngọt,...
- Tránh tuyệt đối các loại đường ngọt, nước mía, mật ong, hoa quả sấy khô,...
- Từ bỏ những thói quen gây hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bia.
Chế độ luyện tập:
- Vận động giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn vì hoạt động làm tăng tiêu thụ đường ở cơ vân. Bên cạnh đó, vận động còn làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, tăng cường sức đề kháng.
Người tiểu đường cần đảm bảo huyết áp ổn định trước và sau khi luyện tập
Tập thể dục đều đặn, lựa chọn bài tập sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe kết hợp đi bộ nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày
3.2. Điều trị tiểu đường giai đoạn tiến triển
Ngoài việc tiếp tục điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, giai đoạn này bắt buộc phải sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sỹ. Đồng thời việc theo dõi chỉ số đường máu thường xuyên cũng rất quan trọng cho việc chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp.
3.3. Điều trị tiểu đường giai đoạn xuất hiện biến chứng
Do tình trạng đường huyết tăng cao và khó kiểm soát, người bệnh tiểu đường giai đoạn này cần kết hợp nhiều nhóm thuốc tiểu đường cùng lúc và có thể phải chuyển từ đường thuốc uống sang đường tiêm.
Ngoài việc kiểm soát đường huyết, giai đoạn này còn cần có các biện pháp phòng và điều trị các biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên.

3.4. Điều trị tiểu đường giai đoạn cuối
Giai đoạn này, việc ưu tiên hàng đầu là điều trị những biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và gia đình người bệnh với mục tiêu kéo dài tuổi thọ đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh tiểu đường.
Qua bài viết trên đây, chắc hẳn các bạn đã biết được các giai đoạn của bệnh tiểu đường cũng như những nét tổng quan nhất trong điều trị từng giai đoạn bệnh. Có thêm kiến thức về căn bệnh này là cách để bạn phòng, điều trị và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả cho mình hay người thân.
Đừng để tiểu đường luôn là nỗi lo của bạn, hãy gọi điện ngay với chúng tôi thông qua hotline dưới đây để được tư vấn chi tiết về thông tin cũng như biện pháp phòng ngừa bệnh nhé!
Đừng quên like, share và đánh giá nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích nhé, Duockienminh cảm ơn độc giả nhiều!