18/07/2024
Từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng cây sói rừng như một vị thuốc quý có nguồn gốc tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh. Nhưng số người biết đến cây sói rừng cũng như tác dụng của nó đối với sức khỏe còn khá ít. Để có thêm những thông tin thú vị về loài cây này và cách dùng nó sao cho an toàn và hiệu quả, hãy cùng đọc bài viết này ngay nhé.
1. Những thông tin thú vị về cây sói rừng mà bạn nên biết
1.1. Cây sói rừng là gì?
- Sói rừng có tên khoa học là Sarcandra glabra. Đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Chloranthaceae (họ Hoa sói). Mỗi địa phương lại có các tên gọi khác nhau như sói làng, thảo san hô, sói nhẵn,cửu tiết trà, cửu tiết phong, tiết cốt mộc,...
1.2. Cây sói rừng phân bố ở đâu?
- Cây sói rừng có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, loài cây này ngày càng được trồng ở nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Malaysia và Việt Nam. Tại Việt Nam, loài cây này được tìm thấy ở khắp các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Tây, Kon Tum và Lâm Đồng.
- Với đặc tính ưa môi trường ẩm ướt, cây sói rừng thường mọc hoang ở những khu vực bìa rừng, vùng núi đất hay ven đồi ẩm.
1.3. Đặc điểm của cây sói rừng
- Trong tự nhiên, cây sói rừng phát triển đến độ cao trung bình khoảng 1 - 2m, thân cây tương đối nhẵn, không có lông.
- Các lá mọc theo kiểu đối nhau, phiến dài hình ngọn giáo hoặc hình bầu dục. Lá sói rừng có chiều dài khoảng 7 - 20cm, bề rộng từ 2 - 8cm với khoảng 5 - 7 cặp gân bên. Phần mép lá có hình răng cưa tương đối nhọn và thô kèm theo các tuyến.
- Hoa sói rừng là loại hoa kép, kích thước tương đối nhỏ, ít nhánh và có màu trắng. Đa số hoa không có cuống và chỉ có 1 nhị. Hoa thường nở vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7. Cây đậu quả sau đó từ 1 - 2 tháng.
- Quả sói rừng hình tròn, kích thước nhỏ, đường kính chỉ từ 3 - 4 mm. Khi quả chín có màu đỏ hoặc đỏ gạch.
- Toàn bộ cây sói rừng đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Người ta thường sử dụng hoa cây sói rừng ướp làm trà, rễ cây thu hoạch quanh năm, để tươi hoặc đem phơi khô làm thuốc.
1.4. Thành phần dinh dưỡng trong sói rừng
- Theo các kết quả nghiên cứu, trong thành phần của cây sói rừng có chứa tinh dầu, coumarin, axit succinic, axit fumaric, các loại flavonoid,...
- Bên cạnh đó, cây còn chứa các sesquiterpene như istanbulin A, chloranthalacon E, beta atractylenoit; các 2 sesquiterpen lacton mới như 8-beta,9-alpha-dihidroxy eudesman, 12-olid, 8-beta, dien-8-alpha, 9-alpha-dihydroxy lindan,...
2. Tác dụng dược lý của cây sói rừng
Với nhiều hoạt chất có dược tính cao, cả trong Y học cổ truyền và Y học hiện đại đều có những ghi chép về tác dụng của cây sói rừng đối với sức khỏe. Vậy những tác dụng đó là gì? Hãy cùng đọc phần tiếp theo của bài viết để tìm hiểu kỹ hơn nhé.
2.1. Theo Y học cổ truyền
Theo Đông y, cây sói rừng có tính ấm, vị đắng và có dược tính cao. Vị thuốc này có tác dụng giải độc, giảm đau, tiêu viêm, trừ thấp và hoạt huyết.
Từ lâu, trong dân gian đã sử dụng rễ cây sói rừng ngâm rượu uống để chữa chứng đau tức ngực. Lá cây đem sắc uống trị bệnh lao, ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức xương, phong thấp, mụn nhọt, vết thương hoặc có thể giã nát đắp khi bị rắn cắn.
2.2. Theo y học hiện đại
Theo các chuyên gia, các loại sesquiterpen và chất chống oxy hóa trong cây sói rừng có tác dụng ngăn ngừa tác động của các gốc tự do, kích thích quá trình sản xuất tiểu cầu trong máu từ đó có khả năng tiêu trừ huyết khối, tăng khối lượng tuần hoàn đồng thời chống viêm hiệu quả.
Các chất này còn có tác dụng bảo vệ cũng như tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm gan do virus trong đó có viêm gan virus B.
Bên cạnh đó, các hoạt chất có trong thành phần của cây sói rừng còn có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn bao gồm tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus aureus), trực khuẩn mủ xanh (Bacillus pyocyaneus), trực khuẩn lỵ (Bacillus coli), trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhosa), trực khuẩn phó thương hàn (Salmonella paratyphosa),... Do đó, cây thuốc này có tác dụng phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Toàn bộ cây sói rừng được dùng để chữa bệnh động kinh.
Cũng có các tài liệu cho rằng, cây sói rừng làm giảm mệt mỏi, hỗ trợ điều trị cho những người mắc ung thư dạ dày, trực tràng, tụy, gan.
3. Cây sói rừng có liều dùng và cách dùng như thế nào?
3.1. Liều dùng
Liều lượng sử dụng của dược liệu sói rừng khô là từ 10 -15g/ngày.
Liều lượng sử dụng của dược liệu sói rừng tươi là từ 30 - 40g/ngày.
Cấn sử dụng cây sói rừng đúng liều lượng để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa tránh được các tác dụng không mong muốn do sử dụng quá liều.
3.2. Cách sử dụng
Trong dân gian thường sử dụng cây sói rừng dưới dạng thuốc sắc, nấu nước rửa, ngâm rượu hoặc đem giã nát đắp ngoài da. Cụ thể như sau:
Lá cây thuốc sói rừng được sắc uống hoặc đem đi ngâm rượu để xoa bóp cho những người bị gout, đau nhức xương khớp, phong thấp.
Hoa sói rừng được đem đi ướp trà.
Rễ sói rừng ngâm rượu uống để chữa đau nhức.
4. Cây sói rừng chữa bệnh gì?
Cây sói rừng là một loại thảo dược có dược tính mạnh. Người ta có thể sử dụng nó đơn lẻ hoặc phối hợp cùng các vị thuốc khác nhằm làm tăng thêm hiệu quả điều trị bệnh. Vậy cụ thể cây sói rừng trị bệnh gì? Đoạn tiếp theo của bài viết sẽ trả lời cho bạn câu hỏi này đồng thời cung cấp cho bạn một vài bài thuốc sử dụng cây sói rừng thông dụng mà hiệu quả.
4.1. Hỗ trợ điều trị gout và các bệnh viêm khớp
Người bệnh gout có nên sử dụng cây sói rừng hay không? Đây có lẽ là thắc mắc của không ít người bệnh khi tìm hiểu về cây sói rừng.
- Các kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tác dụng chống viêm của cây sói rừng đạt được hiệu quả lên tới 97,6%, trong đó lá là bộ phận có tác dụng chống viêm mạnh nhất của cây.
- Có được tác dụng đó là vì thành phần của cây có chứa nhiều chất có hoạt tính chống viêm mạnh, trong đó phải kể đến các loại flavonoid.
- Chính các hoạt chất này giúp ngăn ngừa các phản ứng viêm, làm giảm các triệu chứng đau nhức, sưng tấy và nóng đỏ do những phản ứng này gây ra. Từ đó, sử dụng cây sói rừng sẽ giúp người bệnh gout giảm bớt khó chịu do căn bệnh này gây nên.
- Bên cạnh đó, vị thuốc này còn có đặc tính chống oxy hóa, từ đó ngăn cản các gốc tự do làm tổn thương xương khớp, bảo vệ khớp của bạn khỏi các tác động do chúng gây nên.
- Chính vì vậy, cây sói rừng là một vị thuốc mà người bệnh gout và viêm khớp không nên bỏ qua.
Cách sử dụng cây sói rừng điều trị bệnh gout và viêm khớp:
Chuẩn bị 40g lá sói rừng khô và thái nhỏ.
Đem hãm toàn bộ dược liệu đã được thái nhỏ vào rượu ấm để uống.
Mỗi ngày uống 1 ly khoảng 40ml, tình trạng bệnh của bạn sẽ cải thiện rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Ngoài ra, người ta có thể sử dụng rượu lá sói rừng như một loại thuốc xoa bóp để giảm các cơn đau nhức quanh khớp viêm.
4.2. Điều trị viêm xương khớp do phong thấp
Viêm xương khớp nguyên nhân do phong thấp thường có đặc điểm là kéo dài dai dẳng, tái phát thường xuyên và rất khó khăn trong việc điều trị. Sử dụng cây sói rừng sẽ giúp các triệu chứng bệnh phong thấp thuyên giảm đi đáng kể đồng thời hạn chế được tình trạng tê bì chân tay do bệnh lâu ngày gây ra.
Để hỗ trợ điều trị bệnh, có thể sử dụng cây sói rừng theo 1 trong 2 cách sau:
Sử dụng cây tươi, đem giã nát, sao qua với rượu rồi đắp trực tiếp lên vị trí đau.
Sắc 25 - 30g rễ cây với nước, đến khi sôi thì tắt bếp, lấy nước uống trong ngày.
4.3. Chữa đau lưng
Sắc 10 - 25g lá sói rừng với nước, đến khi sôi thì tắt bếp, lấy nước uống trong ngày. Nên chia nhỏ uống 2 - 3 lần/ngày. Kiên trì sử dụng hàng ngày bệnh đau lưng sẽ sớm thuyên giảm.
4.4. Thải độc, tiêu viêm
Như đã đề cập đến ở trên, cây sói rừng có đặc tính chống viêm rất hiệu quả, nhờ đó mà nó không chỉ được sử dụng để điều trị gout, viêm khớp mà còn chữa các chứng viêm đồng thời cũng có tác dụng thải độc cho cơ thể.
Người bệnh có thể tham khảo theo bài thuốc sau:
Chuẩn bị khoảng 30 - 40g lá sói rừng tươi.
Đem đi sắc cùng 600ml nước, để lửa nhỏ.
Lấy nước uống trong ngày, chia nhỏ thành 2 - 3 lần và sử dụng đều đặn hàng ngày.
4.5. Phòng cảm mạo
Để tăng hiệu quả trong việc phòng ngừa chứng cảm mạo, người ta thường kết hợp cây sói rừng với một số dược liệu khác, cụ thể như sau:
Chuẩn bị: 10 -15g lá sói rừng; nếu mùa hè sử dụng thêm 6g kim ngân hoa, mùa đông sử dụng thêm 6g tía tô.
Hãm với nước, uống thay trà, dùng trong ngày.
4.6. Điều trị bỏng da
Để trị bỏng da, người ta thường sử dụng dược liệu sói rừng dạng bột, cụ thể các bước tiến hành như sau:
Phơi khô lá sói rừng rồi tán mịn.
Sau đó cho thêm dầu vừng hoặc dầu hạt sở rồi trộn đều.
Đắp lên phần da bị bỏng, kiên trì sử dụng cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
5. Những lưu ý khi sử dụng cây sói rừng
Để sử dụng cây sói rừng đúng cách, hiệu quả và an toàn, người bệnh cần chú ý một số điểm sau đây:
Sử dụng đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc quá mức.
Phụ nữ có thai tránh sử dụng cây sói rừng.
Nếu muốn sử dụng cho trẻ em, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để được tư vấn và hướng dẫn liều dùng, cách dùng sao cho đúng.
Trên đây là những thông tin về cây sói rừng, một dược liệu quý rất tốt cho sức khỏe. Nếu bạn đang mắc bệnh gout hoặc muốn nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, cùng với việc sử dụng cây sói rừng, hãy kết hợp với việc duy trì chế độ ăn uống và luyện tập khoa học.