22/02/2023
Củ ngải là một vị thuốc quý chứa nhiều dược chất có lợi cho sức khỏe. Hãy cùng đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin về thảo dược này cũng như công dụng và cách dùng nó sao cho hiệu quả nhé.

1. Tìm hiểu chung về củ ngải
Củ ngải chính là phần củ của cây ngải, một loại cây thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Có 2 loại chính là củ ngải tiên và củ ngải đen. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về cả 2 loại ngải này nhé.
1.1. Đặc điểm của cây ngải tiên
Ngải tiên là loại cây ưa ẩm, sinh trưởng tốt ở những vùng có khí hậu mát mẻ. Hình dáng của loài cây này có nhiều nét tương tự như những cây thuộc họ gừng khác, nhất là cây gừng ta. Tuy nhiên, có thể phân biệt phân biệt ngải tiên với các cây họ gừng khác dựa vào đặc điểm của lá, hoa, quả, thân và rễ.
Ngải tiên là loại cây thân thảo. Thân cây ngải tiên có thể cao tới 1,5m, bên ngoài được bao bọc bởi nhiều bẹ lá xanh dài, bên trong xốp. Lá ngải tiên màu xanh, không có cuống, chiều dài trung bình khoảng 40cm, chiều rộng trung bình khoảng 10cm, có hình như mũi mác và mọc xen kẽ nhau. Mặt trên lá nhẵn bóng trong khi mặt dưới có nhiều lông nhỏ.
Hoa ngải tiên màu trắng, mọc thành từng cụm tập trung ở phần ngọn cây. Hoa gồm bốn cánh xòe ra giống như những cánh bướm rất đẹp. Nhụy hoa nằm ở trung tâm, mỗi hoa có từ 1 - 2 nhụy. Nhị hoa màu trắng, đài hoa và tràng hoa tương tự nhau, không có răng cưa và có dạng ống dài. Quả ngải tiên khi chín có màu vàng sậm.
Rễ của cây ngải tiên là loại rễ củ. Củ ngải tiên có kích thước nhỏ, màu trắng, vị cay và thơm, chia nhiều nhánh, nhìn tương tự như củ riềng.

Người ta chia ngải tiên thành một số loại như sau:
Cây ngải tiên trắng hay cây bạch điệp: Đây là loại ngải được sử dụng phổ biến hơn cả trong các bài thuốc để trị bệnh.
Cây ngải tiên hoa vàng: Là cây có hoa màu vàng, phần rễ và thân màu đỏ, có thể tìm thấy ở vùng núi phía Bắc nước ta.
Cây ngải tiên hoa đỏ: Cây có hoa màu đỏ, thường phát triển ở vùng núi có độ cao vừa từ 500 - 600m như Hòa Bình.
Cây ngải tiên có lá bắc rộng: Cây có lá to hơn so với các loại khác, hình dáng tương tự cây bạch điệp, thường thấy ở Sa Pa.
Cây ngải tiên có lông hoa trắng: Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng và Kon Tum.
1.2. Đặc điểm của cây ngải đen
Cây ngải đen có bề ngoài khá giống nghệ vàng mà dân gian ta hay trồng, tuy nhiên phần gân lá có màu tía đậm hơn. Cây mọc thành chùm, thành bụi, độ cao trung bình từ 40 - 50cm. Lá ngải đen rộng như lá dong nhưng thuôn dài hơn.
Khi cây lớn sẽ hình thành nên củ cái rồi từ đó phân nhánh ra thành nhiều củ nhỏ. Mỗi một cây ngải đen chỉ cho duy nhất một củ chính và khoảng 2 củ nhánh với kích thước khá nhỏ, chỉ từ 5 - 7cm như đốt ngón tay bình thường. Củ cứ duy trì kích thước như vậy và không thể phát triển to hơn được. Đây là một trong những lý do khiến củ ngải đen trở thành một dược liệu khá hiếm và có giá bán tương đối cao trên thị trường hiện nay.

Củ ngải đen có hình dáng tương tự như nghệ vàng nhưng ruột bên trong lại có màu tím sẫm đặc trưng và có vị khá đắng, các bạn hãy chú ý khi sử dụng nhé. Để phân biệt chính xác củ của cây ngải đen, bạn hãy chuẩn bị một quả trứng gà đã luộc chín rồi cắt một miếng ngải đen và đem chà lên vỏ quả gà. Chờ 10 phút sau bóc vỏ quả trứng ra nếu thấy lòng trắng chuyển sang màu đen thì đó chính là củ ngải chuẩn.
Khu vực phân bố của cây ngải đen chủ yếu ở các khu vực đồi núi và cao nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Nguyên,...
2. Củ ngải có tác dụng gì?
Mỗi loại củ ngải lại có thành phần hóa học khác nhau, do đó mà tác dụng mà mỗi loại mang đến cho sức khỏe con người cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
2.1. Tác dụng của củ ngải tiên
Thành phần hóa học trong cây ngải tiên rất đa dạng, nhất là phần củ của cây rất giàu flavonoid, glycosid, steroid,... giúp kháng khuẩn đồng thời hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như:
Điều trị các chứng đau nhức do bệnh lý xương khớp, đặc biệt là bệnh gout
Ôn trung tán hàn
Khu phong trừ thấp
Điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như: Chướng bụng, đầy bụng, lạnh bụng, tiêu hóa kém,...
Trừ giun, dễ gây trung tiện
Sử dụng làm thuốc hạ nhiệt
Ngoài ra, củ ngải tiên còn được sử dụng để chữa rắn cắn và các vết thương ngoài da

2.2. Tác dụng của củ ngải đen
Củ ngải đen là loại thảo dược quý hiếm, có tính ấm, giúp khử độc và phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Thảo dược này có tác dụng quan trọng trong:
Kháng khuẩn, chống viêm nhiễm
Tăng cường hệ miễn dịch
Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ung thư
Điều trị các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, đau bụng, đầy hơi,...
Điều hòa và tăng cường chức năng các bộ phận trong cơ thể
3. Các bài thuốc dân gian từ củ ngải
Qua phần trên của bài viết, có thể thấy công dụng của củ ngải đối với sức khỏe là rất đa dạng, sử dụng được trong nhiều trường hợp khác nhau. Để tìm hiểu cụ thể xem dân gian sử dụng củ ngải trị bệnh gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay qua phần tiếp theo của bài viết này nhé.
3.1. Bài thuốc trị gout và các bệnh lý xương khớp khác
Sử dụng củ ngải là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa gout và những căn bệnh xương khớp khác chuyển biến nặng hơn hoặc trở thành thể mạn tính dai dẳng khó chữa. Để chữa các bệnh xương khớp bằng củ ngải, người bệnh có thể làm theo một trong hai cách sau đây:
Ngâm rượu
Lấy 20g thân và củ ngải tiên khô, ngâm cùng rượu tối thiểu 1 tháng.
Mỗi ngày uống một chén nhỏ rượu thuốc này, kiên trì sử dụng đều đặn sẽ thấy các triệu chứng đau nhức, tê mỏi xương khớp thuyên giảm nhanh chóng.
Sắc lấy nước uống
Dùng thân và rễ cây ngải tiên sắc lấy nước uống. Chia thành 2 -3 lần và uống trong ngày.
Sử dụng nước sắc từ củ ngải hàng ngày trong khoảng 10 - 20 ngày sẽ thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm đáng kể.
Một cách sắc nước khác là lấy 2 muỗng cà phê bột nghiền từ rễ và thân cây ngải tiên đem pha trong một cốc nước lọc, dùng để uống hàng ngày.

3.2. Bài thuốc trị bệnh tiêu hóa
Để điều trị các chứng đau bụng, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa hay viêm đại tràng, bạn có thể áp dụng một trong các bài thuốc sau đây:
Bài thuốc 1: Lấy 6 - 12g thân và rễ ngải tiên đã phơi khô, đem sắc cùng 500ml nước, sắc với lửa nhỏ tới khi lượng nước thuốc cô lại còn khoảng một nửa thì dùng được. Uống đều đặn hàng ngày để có hiệu quả.
Bài thuốc 2: Lấy bột thân rễ đã phơi khô đem tán thành bột mịn pha cùng nước sôi, chia nhỏ thành nhiều lần uống trong ngày.
Bài thuốc 3: Dùng thân và rễ ngải tiên khô, hoài sơn và ý dĩ với tỷ lệ mỗi loại bằng nhau sau đó đem sắc cùng nước rồi uống hàng ngày để điều trị bệnh.
Ngoài việc sử dụng vị thuốc như trên, người đang gặp các vấn đề về đường tiêu hóa cũng cần xây dựng cho mình chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

3.3. Bài thuốc trị vết rắn cắn và chấn thương
Để sử dụng cây ngải trị vết thương do rắn cắn, bạn có thể làm theo các bước như sau:
Lấy phần rễ tươi của cây, đem giã nát sau đó tách riêng phần bã với phần nước thuốc.
Sau khi sơ cứu vết thương sạch sẽ thì lấy phần bã thuốc đắp lên rồi dùng băng gạc bó lại.
Phần nước thuốc còn lại sử dụng để uống. Áp dụng như vậy sau 2 - 3 lần vết thương sẽ mau liền đồng thời loại bỏ được hết độc tố ra khỏi cơ thể.
3.4. Bài thuốc hạ sốt bằng củ ngải
Bạn có thể hạ sốt nhanh chóng bằng củ ngải như sau:
Giã nát rễ, thân cây ngải tiên cùng với củ hành (theo tỷ lệ 1:1) rồi bọc trong vải mỏng và đắp lên trán. Thực hiện như vậy thường xuyên sẽ giúp nhiệt độ giảm nhanh chóng.
3.5. Bài thuốc trị chứng kém ăn, mệt mỏi
Chuẩn bị: 160g ngải đen, 160g củ ấu, 16g đinh hương, 60g tam lăng, 20g thành bi, 20g thanh mộc hương, 16g bam mộc hương, 16g đăng tâm, 40g hạt cau, 20g cốc nha.
Cách thực hiện: Nghiền toàn bộ hỗn hợp dược liệu trên thành bột mịn rồi vo thành từng viên nhỏ. Sử dụng từ 8 - 12 viên mỗi ngày, có thể kết hợp với nước gừng sắc để có thể phát huy tối đa công dụng.

4. Lưu ý khi sử dụng củ ngải
Có thể thấy, củ ngải là dược liệu quý mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, tác dụng này nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cơ địa từng người cũng như mức độ bệnh. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, để hạn chế những tác hại của củ ngải và tận dụng tối đa hiệu quả của thuốc, bạn cần chú ý một số trường hợp sau:
Củ ngải đen và ngải tiên đều là những vị thuốc rất quý. Tuy nhiên, không nên quá “thần thánh hóa” công dụng của thảo dược này. Thay vào đó, hãy lựa chọn đúng các vị thuốc sao cho phù hợp với bệnh lý của mình, tránh “tiền mất tật mang”.
Hết sức cẩn trọng khi sử dụng đồng thời nhiều vị thuốc dân gian cùng một lúc hoặc uống chung với thuốc tây để tránh xảy ra trường hợp tương tác thuốc.
Sử dụng đúng liều lượng, tránh lạm dụng quá mức dẫn đến các phản ứng phụ do quá liều.
Mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng phụ, tuy nhiên nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần ngưng sử dụng ngay và đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về củ ngải cũng như công dụng và cách dùng của cả 2 loại ngải tiên và ngải đen. Hãy sử dụng 2 vị thuốc này đúng cách để tận dụng được tối đa những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe mà chúng mang lại nhé.