23/05/2022
Gout là căn bệnh mạn tính khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu do những cơn đau mà nó gây ra. Để nhanh chóng làm giảm các triệu chứng này, nhiều người đã tự ý sử dụng thuốc mà không biết những hậu quả có thể xảy ra. Do đó, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay những tác dụng phụ của thuốc chữa gout trong bài viết ngay sau đây.

1. Bệnh gout và những thông tin mà bạn cần biết
1.1. Bệnh gout là gì?
Gout là bệnh lý xuất hiện khi nồng độ acid uric tăng cao trong máu, từ đó hình thành các tinh thể urat lắng đọng ở các khớp xương và các bộ phận quanh khớp như gân, dây chằng, túi thanh dịch,... Tại đây, những tinh thể này sẽ cọ xát với sụn, khớp và các mô, gây nên cơn đau dữ dội tại khớp tổn thương kèm theo sưng, viêm.
Từ các số liệu thống kê mới nhất, có thể thấy tỷ lệ người mắc bệnh gout đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh lý này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác cũng như giới tính, trong đó, nam từ 30 - 50 tuổi và nữ giới ở độ tuổi sau mãn kinh là những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh gout
Theo nghiên cứu, khoảng 5 - 20% người có acid máu cao sẽ mắc phải bệnh gout. Nồng độ acid uric máu cao hay thấp được quyết định bởi sự cân bằng của 2 quá trình sản xuất và đào thải. Theo đó, các nguyên nhân khiến acid uric máu tăng cao và gây ra bệnh gout bao gồm:
Tăng sản xuất acid uric: Do bất thường về gen, sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu purin,...
Giảm đào thải acid uric qua thận: Do suy thận hoặc sử dụng một số thuốc cản trở quá trình đào thải acid uric như aspirin liều thấp, lợi tiểu,...
Bên cạnh đó, còn một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh gout như:
Uống nhiều rượu bia
Béo phì
Nam giới tuổi trung niên
Nữ giới sau mãn kinh
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh gout

1.2. Triệu chứng của bệnh gout
Một cơn gout cấp điển hình xuất hiện với những triệu chứng sau:
- Vị trí: Có tới 80 - 90%cơn gout đầu tiên chỉ xảy ra tại một khớp và thường gặp nhất chính là khớp ngón chân 1. Kế tiếp là những khớp như: khớp mu bàn chân, khớp cổ chân, gót chân, khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay hay khuỷu tay…
- Tính chất: Các cơn gout cấp thường khởi phát một cách đột ngột vào ban đêm ở khớp tổn thương với các biểu hiện như sưng, nóng, đỏ, đau kèm theo hạn chế vận động.
- Dấu hiệu tiền triệu: Người bệnh có thể cảm thấy tê, ngứa, dị cảm hoặc bị cứng khớp ngón chân cái hoặc ở khớp bị viêm khác.
- Triệu chứng toàn thân: sốt cao, mệt mỏi, ăn kém,...
- Yếu tố khởi phát: Cơn gout cấp có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi ăn quá nhiều protid, bị chấn thương, nhiễm lạnh, căng thẳng, gắng sức,.. và nhất là sau khi sử dụng rượu bia.
Gout mạn tính là hậu quả của tình trạng tăng acid uric máu kéo dài với các biểu hiện như biến dạng khớp, xuất hiện hạt tophi,... Nếu không kiểm soát tốt nồng độ acid uric máu, người bệnh rất dễ mắc những biến chứng nguy hiểm, nhất là các bệnh lý về thận như suy thận, sỏi thận,...

1.3. Tiến triển của bệnh gout
Những cơn gout đầu tiên sẽ chỉ ảnh hưởng tới một khớp với thời gian ngắn, chỉ kéo dài vài ngày. Về sau, các cơn đau ngày càng kéo dài và ảnh hưởng tới nhiều khớp hơn nếu không được điều trị kịp thời. Cuối cùng, một số cơn đau có thể kéo dài hàng năm khiến người bệnh vô cùng khó chịu.
Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh gout hoàn toàn có thể có một cuộc sống bình thường. Ngược lại, nếu không tuân thủ chế độ điều trị, bệnh sẽ ngày càng nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
1.4. Điều trị gout như thế nào?
Một số thuốc tân dược điều trị gout thường dùng hiện nay bao gồm:
Thuốc cắt cơn gout cấp tính: Colchicine, NSAIDs hay corticoid.
Thuốc phòng ngừa những cơn gout cấp tái phát: Colchicine hoặc một thuốc trong nhóm NSAIDs, uống hàng ngày.
Các thuốc ngăn ngừa tình trạng lắng đọng thêm tinh thể urat, từ đó giảm tần suất cơn đồng thời giải quyết các hạt tophi đang có bằng các thuốc làm giảm nồng độ acid uric máu, trong đó bao gồm thuốc làm giảm sản xuất acid uric như Allopurinol hay febuxostat; thuốc tăng đào thải acid uric như Probenecid hay Lesinurad.

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng và kiểm soát nồng độ acid uric máu, người bệnh cần điều trị những bệnh lý kèm theo như huyết áp cao, béo phì, tăng lipid máu. Ngoài ra, các phương pháp điều trị gout không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn, kiểm soát lượng purin trong thực phẩm, hạn chế rượu bia và tăng cường luyện tập thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng.
2. Tại sao các thuốc điều trị gout gây tác dụng phụ
Gout là căn bệnh mạn tính gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Người bệnh thường phải sử dụng các loại thuốc trong một thời gian dài và việc gặp phải các tác dụng phụ do thuốc chữa gout là điều không tránh khỏi.
Về nguyên tắc, mỗi loại thuốc sẽ gây ra những phản ứng khác nhau trên từng người, do đó không phải ai cũng gặp phải những tác dụng phụ giống nhau.
Bên cạnh đó, khả năng gặp phải tác dụng phụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như liều lượng hay thời gian sử dụng thuốc. Sử dụng thuốc với liều lượng càng thấp, thời gian càng ngắn thì càng hạn chế được nguy cơ gặp phải các tác tác dụng không mong muốn.

Một lý do nữa khiến người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc chữa gout là do tìm đến những loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm tra đảm bảo chất lượng.
2. Các tác dụng phụ của thuốc chữa gout thường dùng
Các thuốc tân dược điều trị gout mặc dù có tác dụng nhanh nhưng nếu sử dụng kéo dài có thể gây ra nhiều tác hại khó lường. Dưới đây là một số thuốc chữa gout phổ biến hiện nay và tác dụng phụ của chúng để các bạn lưu ý.
2.1. Tác dụng phụ của nhóm thuốc giảm đau không steroid
Nhóm các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) thường được sử dụng trong điều trị cắt cơn đau do gout cấp. Một số thuốc trong nhóm này thường được sử dụng bao gồm: Diclofenac, Ibuprofen, Meloxicam,...
Mặc dù các thuốc này giúp giảm đau nhanh chóng nhưng đây cũng là những loại thuốc làm ảnh hưởng xấu tới đường tiêu hóa. Khi dùng kéo dài, chúng có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, viêm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí là chảy máu đường tiêu hóa. Chính vì vậy, chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc này cho người đã có tiền sử mắc bệnh dạ dày - tá tràng.

Bên cạnh đó, nhóm thuốc giảm đau không steroid còn gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gan và thận. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này không đáng kể, nhất là khi sử dụng ngắn ngày và đúng liều lượng.
2.2. Tác dụng phụ của thuốc Cortisol
Cortisol hay glucocorticoid từ lâu luôn được xem là một con dao hai lưỡi trong điều trị bệnh. Mặc dù tác dụng giảm đau và chống viêm của cortisol rất tốt, làm giảm nhanh chóng các cơn đau dữ dội trong đợt cấp tính của bệnh nhưng nó cũng có nhiều tác dụng phụ.
Bên cạnh nguy cơ gây viêm loét đường tiêu hóa như nhóm thuốc NSAIDs, cortisol còn có hàng loạt những tác dụng phụ nguy hiểm khác như tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, béo phì, tăng huyết áp, hội chứng Cushing, trầm cảm, phát ban, chậm liền vết thương,... Người bệnh rất dễ gặp phải những nguy cơ này nếu lạm dụng thuốc quá mức trong một thời gian dài.
Để hạn chế tác dụng phụ do nhóm glucocorticoid gây ra, thay vì sử dụng thuốc theo đường toàn thân như uống hoặc tiêm tĩnh mạch, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tiêm thuốc trực tiếp vào khớp viêm. Với cách này, thuốc sẽ phát huy tác dụng ngay tại chỗ mà không cần trải qua con đường hấp thu và chuyển hóa, từ đó giúp giảm đau nhanh chóng. Đồng thời, với phương pháp tiêm tại chỗ, thuốc không đi vào máu nên sẽ không gây ra các tác dụng phụ như trên.

2.3. Tác dụng phụ của thuốc Allopurinol
Allopurinol được xem là loại thuốc hàng đầu được lựa chọn để điều trị gout mạn tính đồng thời cũng là loại có ít tác dụng phụ nhất trong nhóm các thuốc chữa gout.
Chỉ một số ít trường hợp khi sử dụng Allopurinol gặp phải các tác dụng phụ liên quan tới đường tiêu hóa hoặc dị ứng trên da. Bên cạnh đó, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng nó cùng các loại thuốc khác, nhất là các thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chống đông máu. Những người có chức năng thận suy giảm nặng cũng không nên sử dụng Allopurinol.
2.4. Tác dụng phụ của thuốc Colchicine
Colchicine là loại thuốc giúp phòng và điều trị cơn gout cấp hiệu quả. Với liều lượng thấp, thuốc giúp người bệnh kiểm soát tốt các triệu chứng đồng thời hạn chế được tác dụng phụ.
Tuy nhiên, nếu sử dụng colchicine vượt quá liều quy định có thể gây độc cho tế bào do thuốc tấn công quá trình phân chia của tế bào, từ đó khiến tế bào bị phá hủy. Những tác dụng phụ của thuốc Colchicine bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, trầm cảm,... Vì vậy, đây không phải là thuốc có thể sử dụng lâu dài trong điều trị gout.

Ngoài ra, người bệnh gout có chức năng gan thận cũng không nên sử dụng Colchicine.
2.5. Tác dụng phụ của Uricosuric trên thận
Uricosuric là nhóm thuốc làm tăng quá trình đào thải acid uric qua thận, bao gồm benzbromarone, probenecid,... Tuy nhiên, khi chức năng của thận bị suy giảm thì khả năng đào thải acid uric qua đó sẽ giảm theo và thuốc cũng không thể phát huy được tác dụng.
Có nhiều quan điểm cho rằng, việc sử dụng các thuốc làm tăng thải acid uric qua đường niệu sẽ dễ dàng gây tích tụ các tinh thể muối urat ở thận, từ đó hình thành nên sỏi thận.
Bên cạnh đó, thuốc chữa gout nhóm Uricosurics còn có một số tác dụng phụ khác như: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hoặc gây tổn thương tế bào gan (hiếm gặp).
3. Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ của thuốc chữa gout?
Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc chữa gout, người bệnh nên lưu ý một vài điểm sau đây:
Chỉ dùng các thuốc tân dược hay bất cứ loại thuốc nào khác khi có chỉ định của bác sĩ.
Thông báo với bác sĩ điều trị các thuốc đang hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây, bao gồm cả những thuốc điều trị bệnh lý khác ngoài gout để tránh xảy ra tương tác thuốc.
Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn, đúng liều lượng và thời gian quy định.

Tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc hoặc tăng giảm liều khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trên đây là những tác dụng phụ của thuốc chữa gout cùng các thông tin hữu ích khác về bệnh lý này. Hãy sử dụng thuốc đúng cách và an toàn để nâng cao sức khỏe, kiểm soát tốt các triệu chứng và biến chứng của bệnh nhé.