07/06/2024
Cây mã đề là loại thảo dược rất dễ tìm trong dân gian, nhưng công dụng của nó thì không phải ai cũng biết đến. Vậy đặc điểm, tác dụng của cây mã đề là gì và cách dùng ra sao, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1. Cây mã đề là cây gì?
- Cây mã đề có tên gọi theo khoa học là Plantago asiatica. Trong y học cổ truyền, mã đề được biết đến với tên “xa tiền thảo”. Ngoài ra trong dân gian, cây mã đề còn có những tên gọi khác như "rau mã đề”, “cây bông mã đề”, “bông lá đề”,...
- Cây mã đề ở nước ta chia làm hai loại: Mã đề nước và mã đề khô.
2. Đặc điểm sinh trưởng của bông mã đề
2.1. Hình dạng cây mã đề
- Cây mã đề rất dễ nhận biết với thân ngắn, cao trung bình từ 10-15cm. Lá cây mã đề mọc thành cụm ở gốc, cuống dài, có hình thìa hay hình quả trứng, dọc theo phiến lá có nhiều gân.
- Điểm đặc biệt ở loài cây bông mã đề này là hoa. Hoa cây mã đề là loại lưỡng tính, mọc thành bông dựng thẳng đứng lên trời, dài từ 20-30cm và thường có màu xanh.
- Quả cây mã đề là loại quả nang, bên trong chứa từ 8-20 hạt, kích thước chỉ vài mm, có màu đen hay nâu bóng.
2.2. Phân bố - Cây mã đề mọc ở đâu?
Là loại cây thân thảo, ưa ẩm, cây mã đề phân bố khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, không khó để bắt gặp cây mã đề ở góc vườn, ven đường, bụi rậm…đặc biệt là ở các tỉnh như Đà Lạt hay Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng…
2.3. Thành phần hóa học trong cây mã đề
Hạt cây mã đề giàu chất nhầy (chiếm từ 20-30%), acid plantenolic, tanin và protein.
Lá cây mã đề chứa nhiều Iridoids như catalpol, aucubin, plantarenaloside và các polysaccharide như galactose, mannose…Bên cạnh đó, lá mã đề còn chứa nhiều canxi và các khoáng chất khác.
Ngoài ra, trong cây mã đề còn chứa các flavonoid (scutellarein, baicalein, apigenin), các loại acid (ascorbic, fumaric, cinnamic), các acid amin (histidine, alanine, lysine) và nhiều thành phần khác như alkaloid,carotenoid, vitamin C và vitamin K.
2.4. Cây mã đề được thu hái và bào chế như thế nào?
Mỗi một bộ phận trên cây mã đề đều được tận dụng làm thuốc. Cây mã đề có thể dùng khô hay tươi tùy theo nhu cầu sử dụng, vì vậy mà cách thu hoạch và chế biến cũng không giống nhau:
Hạt: hạt mã đề thường được thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8. Những bông mã đề thật già được cắt về, làm sạch rồi phơi khô đến khi độ ẩm chỉ còn khoảng 10%. Trong y học cổ truyền, hạt cây mã đề sấy hay phơi khô còn có tên gọi là “xa tiền tử”.
Toàn bộ cây: thời điểm thu hoạch tốt nhất là từ tháng 4 đến tháng 7. Cây mã đề tươi có thể ăn sống hay chế biến thành trà mã đề, canh rau mã đề, vừa bổ dưỡng lại vừa mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Bên cạnh đó, mã đề cũng có thể đem phơi khô thành vị thuốc rồi bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt. Toàn bộ cây mã đề bỏ rễ rồi sấy hay phơi khô được gọi là “xa tiền thảo”.
Có thể bạn muốn đọc:
- Cỏ mật (cỏ ngọt) và các bài thuốc chữa bệnh tốt cho sức khỏe
- Ăn quả trứng cá có tốt hay không? Người bệnh gout, tiểu đường có nên ăn
3. Đặc điểm vị thuốc cây mã đề
3.1. Tính vị
Lá mã đề có tính mát, vị nhạt.
Hạt mã đề có tính hàn, vị ngọt.
3.2. Sự quy kinh
Cây mã đề quy vào các kinh thận, phế, can, tiểu trường.
4. Công dụng - Tác dụng của cây mã đề
Như đã đề cập đến ở trên, cây mã đề có tính mát, vị ngọt lại quy vào 4 kinh nên có tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt táo thấp, thanh phế hóa đàm, thẩm thấp chỉ tả.
4.1. Cây mã đề trị sỏi thận, tiểu buốt, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang
Cây mã đề, đặc biệt là hạt mã đề có tác dụng lợi tiểu từ đó làm tăng số lượng nước tiểu, rất tốt cho người đang có sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang... Chính vì thế, đây là một loại dược liệu thiên nhiên mà người có sỏi tiết niệu không thể bỏ qua
Đi cùng với tác dụng lợi tiểu, khả năng chống viêm trong cây mã đề giúp điều trị các trường hợp viêm đường tiết niệu, nhất là viêm bàng quang.
Mã đề còn làm tăng đào thải các chất cặn bã như acid uric, ure và muối ra ngoài cơ thể, từ đó hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh như bệnh gout, đặc biệt là người bệnh gout giai đoạn cấp có hàm lượng acid uric trong máu cao, viêm cầu thận cấp và mạn tính, suy thận...
4.2. Trên hệ tiêu hóa
Các nghiên cứu đã chỉ ra trong cây mã đề chứa hàm lượng chất nhầy cao. Loại chất nhầy này giúp thải trừ các chất độc trong đường tiêu hóa ra khỏi cơ thể qua phân. Bên cạnh đó, chất nhầy hấp thụ nước trong lòng ruột,vừa góp phần làm mềm phân giúp ruột vận chuyển dễ dàng vừa có tác dụng chữa tiêu chảy.
Đối với các bệnh viêm đại tràng mạn tính, viêm ruột và viêm dạ dày cấp, cây mã đề cũng là một vị thuốc chữa trị hiệu quả. Cây mã đề giúp tái tạo lớp chất nhầy - hàng rào bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, tránh nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng. Với các vết loét đã hình thành, tanin có trong cây mã đề kết hợp với các protein tiếp xúc ở vết loét tạo thành lớp liên kết ngang. Lớp liên kết này giúp bảo niêm mạc dạ dày - ruột khỏi những tổn thương mới và tạo điều kiện cho sự tái tạo niêm mạc.
Trong cây mã đề còn chứa iridoid và flavonoid, các chất có tác dụng chống co thắt mạnh. Chính nhờ vậy, loại cây này giúp giãn cơ trơn dạ dày, từ đó làm giảm các cơn đau bụng.
4.3. Trên hệ hô hấp - Cây mã đề chữa ho
Chất nhầy trong cây mã đề không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có nhiều tác dụng trên hệ hô hấp. Nó làm ẩm và tạo thành lớp màng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, giảm ho khan do ngăn chặn tác động từ các tác nhân gây kích ứng. Bên cạnh đó, chất nhầy còn có khả năng khử mùi hôi từ đường hô hấp.
Cây mã đề còn được dùng trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp nhờ đặc tính chống viêm và kháng khuẩn.
4.4. Trên hệ miễn dịch
Vitamin C, vitamin A trong cây mã đề giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hoạt chất plants majonoside trong loài cây này có khả năng kích thích phản ứng sinh miễn dịch.
4.5. Cây mã đề trị mụn - trị nám
Cây mã đề trị mụn rất hiệu quả. Lấy lá mã đề tươi rửa sạch, giã dập rồi đắp lên các nốt mụn nhọt giúp giảm viêm, tiêu sưng và kháng khuẩn. Đặc biệt allantoin trong bông mã đề là chất làm dịu da, không chỉ góp phần điều trị mụn trứng cá mà còn giảm thâm, làm đều màu da, cho bạn làn da khỏe mạnh.
4.6. Cây mã đề chữa rắn cắn
Điểm nổi bật so với các loài cây khác là mã đề có khả năng hấp phụ nọc độc từ các vết đốt côn trùng như ong đốt, các vết cắn của động vật kể cả rắn.
Ngoài ra, trong đông y người ta còn sử dụng cây mã đề cải thiện tình trạng cao huyết áp, giải độc gan, trị hăm tã cho trẻ sơ sinh.
Tin liên quan:
5. Bài thuốc từ cây mã đề điều trị những bệnh gì?
5.1. Bệnh tiểu đường
- Cây mã đề rất tốt trong điều trị hỗ trợ bệnh tiểu đường:
- Sa tiền tử 6g.
- Sinh địa 15,5g.
- Phụ tử 15,5g.
- Sơn dược 15,5g.
- Trạch tả 10g.
- Sơn thù du 10g.
- Quế 10g.
- Ngưu tất 10g.
- Mẫu đơn bì 6g.
Sắc uống ngày 3 lần.
5.2. Viêm đường tiết niệu
- Xa tiền thảo 20g.
- Bồ công anh 20g.
- Kim tiền thảo 20g.
- Cỏ nhọ nồi 15g.
- Cam thảo 10g.
- Rễ cỏ tranh 15g.
Sắc uống ngày 3 lần, dùng kiên trì hàng ngày giảm đáng kể các triệu chứng đái buốt, đái rắt.
5.3. Sỏi tiết niệu
Đây là bệnh lý có tỷ lệ mắc tương đối cao ở người Việt Nam. Ngoài phương pháp chữa trị Tây y, người có sỏi tiết niệu có thể kết hợp uống nước sắc từ mã đề hàng ngày.
- Xa tiền thảo 30g.
- Ngư tinh thảo 30g.
- Kim tiền thảo 30g.
- Chuối hột rừng 30g.
5.4. Giảm ho trừ đờm
- Mã đề 10g.
- Cam thảo 2g.
- Cát cánh 2g.
Sắc uống ngày 3 lần. Uống hàng ngày rất có lợi trong các trường hợp ho có đờm do nhiễm khuẩn đường hô hấp.
5.5. Bệnh đường tiêu hóa
Tiêu chảy: lá mã đề, rau má, nhọ nồi lấy mỗi loại 30g, sắc cô đặc.
Táo bón: Nấu cháo từ cây mã đề tươi sẽ giúp loại bỏ táo bón dễ dàng.
6. Cần chú ý gì khi dùng cây mã đề?
Thận trọng khi sử dụng rau mã đề với bà bầu, nhất là trong 3 tháng đầu vì làm tăng nguy cơ sảy thai.
Thận trọng khi sử dụng cho trẻ do dễ gây đái dầm.
Người già, người thận hư hạn chế dùng rau mã đề vì dễ mắc chứng tiểu đêm nhiều.
Không lạm dụng, chỉ sử dụng đúng liều lượng quy định và nên tham khảo ý kiến của bác sỹ.
Trên đây là những điểm cơ bản về cây mã đề. Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có câu trả lời cho câu hỏi “cây mã đề là gì”, “tác dụng của cây bông lá đề là gì” để sử dụng hợp lý và hiệu quả loài cây này trong cuộc sống hàng ngày và trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý khác.